Tôi rất thích ăn măng, từ món măng Là A luộc cuốn bánh tráng chấm mắm ruốc, măng Mạnh Tông nấu sườn non, măng rừng nấu lẩu ếch, măng tre luộc xé nhỏ trộn muối mè, măng chua ngâm ớt & mắc mật cho đến măng trúc trộn gỏi... tôi đều ủng hộ hết mình...
Nhưng đó là măng tươi, măng khô thì tôi chỉ thích loại măng lưỡi lợn mà thôi. Các loại măng khô mỏng sớ khác tôi không ưa chút nào, ăn vô như nhai rơm...
Điều phiền hà duy nhất là công đoạn ngâm măng lâu quá nên gần như tôi chỉ được ăn món măng này vào dịp Tết hàng năm. Từ 23 tháng Chạp, măng đã được đem ra rửa sạch, ngâm với nước vo gạo & thay nước hàng ngày. Đến 29 thì măng đã nở to gấp 2-3 lần và rất mềm. Luộc măng với thật nhiều nước 2-3 lần, mỗi lần chừng 45' để ra hết chất độc. Măng luộc kỹ đem ra thái vát dày chừng 5 ly, bỏ chỗ xơ già. Xào măng với chút dầu, nước mắm ngon, bột ngọt cho thấm. Để nguội cất vào tủ lạnh để dùng nấu măng miến bóng bì hoặc cho vào nồi chân giò kho trong mấy ngày Tết.
Giò heo kho măng lưỡi lợn:
- 1 cái giò heo, làm sạch, cắt khoanh, không lấy móng.
- măng lưỡi lợn đã sơ chế, nhiều ít tùy ý. Tôi thường kho lượng măng bằng lượng thịt.
- nước mắm, đường, nước màu, muối
Cho chút dầu vào nồi, đổ chân giò vào xào sơ cho săn, cho đường, nước màu, nước mắm vào kho liu riu cho gia vị thấm vào thịt. Khi nước mắm đã rút cạn bớt, xếp thịt vào 1 nồi khác, cứ 1 lớp thịt xen kẽ 1 lóp măng. Đổ nước kho & thêm nước sôi cho ngập thịt. Đem kho lửa nhỏ, đậy nắp 1 nửa, vớt bọt thường xuyên. Kho đến khi thịt chín mềm nhưng không nát, măng thấm gia vị không quá mặn, nước săm sắp là đạt yêu cầu. Nêm nếm lại cho vừa ăn nhắc xuống chia ra từng phần, để nguội cho vào tủ lạnh. Khi ăn lấy ra hâm lại, món này ăn với cơm nóng, thêm trái ớt hiểm là số một.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét